Sau hơn 5 mùa xuân thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển cây ăn quả trên đất dốc, Sơn La vươn lên thành vựa trái cây đứng thứ 2 cả nước, với hơn 82.800 ha; nhiều mô hình thu nhập cao từ 200 – 400 triệu đồng/ha, đặc biệt, na thu hơn 350 triệu đồng/ha; dâu tây 420 triệu đồng/ha… Cây ăn quả và sơn tra phủ xanh những nương đồi, mang về những mùa quả ngọt, đưa thương hiệu trái cây Sơn La vươn ra thị trường thế giới.
Ngọt ngào hoa trái Sơn La…
Khi Tết gần kề, vùng cây ăn quả xã Cò Nòi (Mai Sơn) với trên 1.200 ha, những nương nhãn đang kỳ hồi lá chờ xuân mới đơm hoa, những vườn na Thái rải vụ thu lứa cuối, những vườn bưởi Diễn vàng rộm, vườn bưởi đỏ rực trong nắng hanh hao. Hào hứng chờ vụ bưởi Tết, anh Lò Thanh Thuận, Giám đốc HTX bưởi, nhãn an toàn 8X Thống Nhất, chia sẻ: 2,5 ha bưởi Diễn và 1,5 ha bưởi đỏ được HTX cho giãn vụ, thu hoạch đúng dịp Tết để được giá hơn. Chúng tôi áp dụng kỹ thuật chặt bớt rễ, khoanh cành, giảm phân, giảm nước tưới để bưởi ra hoa muộn hơn, trong quá trình chăm sóc tùy theo điều kiện thời tiết và sự phát triển của quả sẽ điều chỉnh chăm sóc phù hợp. HTX áp dụng quy trình VietGAP, ngâm ủ đậu tương và cá để bón cho cây nên quả mã đẹp, mọng nước, ngọt đậm hơn. Nếu mỗi quả bưởi dịp Tết duy trì giá khoảng 15 nghìn đồng như năm trước, sẽ thu khoảng 300 triệu đồng/ha. Thế là có Tết!
Lễ cắt băng khởi hành lô nhãn Sông Mã tiêu thụ tại thị trường EU và Vương quốc Anh.
Tương tự gần 40 ha nhãn, bưởi da xanh, xoài Đài Loan, xoài Thái… được 25 thành viên HTX bưởi, nhãn an toàn 8X Thống Nhất tính toán kế hoạch sản xuất, áp dụng kỹ thuật rải vụ, ứng phó hiệu quả với điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, HTX có 15 ha cây ăn quả được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 5 ha được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang châu Âu. Tổng sản lượng các loại quả năm nay khoảng 400 tấn, được kết nối tiêu thụ tại các chợ đầu mối ở Hà Nội và Quảng Ninh. Riêng nhãn được 200 tấn, ngoài bán quả tươi, một nửa được chế biến thành long nhãn.
Cây ăn quả Sơn La đa dạng chủng loại, nhưng chủ lực là xoài và nhãn với trên 19.500 ha; sơn tra gần 14.500 ha; mận hơn 11.400 ha; chuối 5.600 ha; cây ăn quả có múi gần 5.000 ha và các loại khác, như: bơ, chanh leo, hồng giòn… Sơn La đã có 11 sản phẩm quả mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ, gồm: 1 chỉ dẫn địa lý quả xoài tròn Yên Châu; 10 nhãn hiệu chứng nhận, gồm: Cam Phù Yên; nhãn Sông Mã; táo sơn tra Sơn La; na Mai Sơn; bơ Mộc Châu; chuối Yên Châu; mận Sơn La; chanh leo Sơn La; xoài Sơn La; nhãn Sơn La. Toàn tỉnh đã có 25 sản phẩm OCOP (6 sản phẩm 4 sao, 19 sản phẩm 3 sao) được sản xuất ra từ quả: Mận sấy gừng; mận sấy mật ong; mận sấy thảo dược; hồng giòn sấy dẻo; thanh long sấy dẻo; chuối sấy dẻo Yên Châu; mứt dâu tây Mộc Châu; long nhãn sấy khô; mật ong Mộc Châu – Mật hoa Nhãn; táo đại Hưng Thịnh; quýt ngọt Nghĩa Hưng…
Người dân xã Phiêng Khoài (Yên Châu) thu hoạch bưởi Diễn.
Trái ngọt Sơn La không những chinh phục người tiêu dùng mà còn hấp dẫn đối với các doanh nghiệp danh tiếng chuyên kinh doanh, chế biến sản phẩm quả bởi chất lượng, hương vị đặc trưng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) lên đầu tư tại Sơn La, đánh giá: Sơn La được thiên nhiên ưu đãi, ngoài thổ nhưỡng thì độ cao và biên độ chênh lệch nhiệt độ ngày – đêm đã tạo cho quả ngon hơn hẳn nhiều nơi. Như xoài Sơn La chế biến xuất khẩu được thị trường châu Âu rất ưa chuộng, bởi độ BX (đường) trung bình 15-16%, trong khi các địa phương khác chỉ là 13-14%; chanh leo có tỷ lệ ruột cao tới 38%, hiếm nơi nào có được. Đặc biệt, trái cây Sơn La khi chế biến vẫn giữ được hương vị đặc trưng.
… Vươn ra thị trường thế giới
Bước sang năm thứ 2 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo theo những khó khăn, thách thức đối với tiêu thụ nông sản. Nhìn lại nông lịch, bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phấn khởi cho biết: Ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp khuyến khích, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất, như rải vụ để giảm áp lực tiêu thụ; chú trọng đầu tư thâm canh, áp dụng các quy trình nông nghiệp tốt, nâng cao chất lượng sản phẩm. Toàn tỉnh đã được cấp 220 mã số vùng trồng, với tổng diện tích gần 4.850 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand… xây dựng 123 chuỗi quả với tổng diện tích gần 2.400 ha.
Tỉnh ta đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, giao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy là Tổ trưởng tổ chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Các huyện đã thành lập Tổ chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, do Bí thư huyện ủy làm Tổ trưởng, thường xuyên đi khảo sát các vùng trồng xây dựng phương án tiêu thụ. Hằng ngày, tổ công tác nắm số lượng tiêu thụ nông sản của từng gia đình, HTX và những khó khăn, vướng mắc đang gặp, tránh tình trạng nông sản ùn ứ, ách tắc. Bám sát diễn biến của dịch bệnh, xây dựng kế hoạch điều chỉnh phương án sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm.
Các hoạt động xúc tiến thương mại được tỉnh tổ chức linh hoạt, hiệu quả, an toàn phòng dịch, như: Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ xoài, nhãn Sơn La năm 2021 kết nối tới Bộ Nông nghiệp và PTNT và 10 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An. Hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh vào quảng bá, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử trong nước và nước ngoài; xây dựng phương án lưu thông hàng hóa giữa các địa phương trong nước và các địa phương có cửa khẩu; tổ chức tuần hàng đặc sản Sơn La trên các sàn thương mại điện tử… đưa trái cây Sơn La tiêu thụ nhiều tỉnh thành trong nước; xuất khẩu quả ngày càng được mở rộng. Năm 2021, Sơn La xuất khẩu gần 23.500 tấn quả sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ (tăng 5 nước so với năm 2020): Sản phẩm xoài sang thị trường Nga, Ả rập, Mông Cổ; sản phẩm nhãn sang thị trường Ba Lan, Hà Lan, Anh; sản phẩm mận sang thị trường Singapore, Malaysia.
Do tác động của dịch bệnh Covid-19, để tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ hoa quả, một chính sách hiệu quả, kịp thời trong đại dịch là UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021, quy định mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021 đã thúc đẩy các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân đầu tư lò sấy, kho lạnh, máy móc sơ chế, chế biến hàng nghìn tấn quả tươi.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, thông tin: Năm 2021, Công ty đã thu mua trên 10.500 tấn quả xoài, chanh leo và hơn 5.000 tấn ngô ngọt, đậu tương rau chế biến xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, EU, Mỹ, Israel, Trung quốc, Nhật Bản. Công ty đang tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La tại huyện Mai Sơn. Tháng 1/2022 sẽ hoàn thành lắp đặt nhà xưởng và dây chuyền chế biến đậu tương rau và ngô ngọt; tháng 3 sẽ lắp đặt dây chuyền cô đặc chanh leo, dây chuyền lạnh IOF; tháng 4 sẽ khánh thành toàn bộ trung tâm chế biến. Nhu cầu nguyên liệu phục vụ nhà máy khoảng 168 nghìn tấn rau, quả các loại, như: Dứa 60 nghìn tấn; chanh leo 55 nghìn tấn; xoài 27 nghìn tấn và một số loại khác. Công ty đang tích cực phối hợp với các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu, đã ký hợp tác với 14 HTX tại Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Mường La, Thuận Châu, Sông Mã tiêu thụ 21.000 tấn xoài.
Xuân về, những nương đồi cây ăn quả Sơn La lại bước vào một chu kỳ đơm hoa – kết trái, hứa hẹn những mùa quả ngọt lành theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Với sự quan tâm của tỉnh trong thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, sẽ đưa trái ngọt và những sản phẩm chế biến từ quả mang thương hiệu Sơn La theo chuỗi vào các siêu thị từ Bắc tới Nam, vươn tới nhiều thị trường trên thế giới từ Á sang trời Âu, Úc, vượt nửa vòng trái đất tới Mỹ; mang niềm vui tới cho người nông dân.
Nguồn: Báo Sơn La